Lịch sử khí tượng Bão John (1994)

Biểu đồ thể hiện đường đi của bão; những dấu chấm màu đại diện cho vị trí bão và cường độ của nó trong thời gian sáu tiếng.
Thang bão Saffir-Simpson
ATNĐBNĐC1C2C3C4C5

Nguồn gốc của bão John được phân tích bởi Trung tâm Bão Quốc gia Hoa Kỳ (NHC) là từ một sóng nhiệt đới (sóng đông) di chuyển ra ngoài khơi bờ biển châu Phi trong ngày 25 tháng 7 năm 1994.[3][4] Sóng nhiệt đới này sau đó đã lần lượt vượt qua Đại Tây Dươngbiển Caribbean mà không có sự biến chuyển nào, trước khi tiếp tục vượt Trung Mỹ và đi vào vùng Đông Thái Bình Dương trong hoặc trong khoảng ngày 8 tháng 8.[3][4] Khi vào đến Đông Thái Bình Dương, sóng nhiệt đới phát triển dần cho đến khi NHC bắt đầu ban hành thông báo và chỉ định hệ thống là áp thấp nhiệt đới 10-E trong ngày 11 tháng 8.[5] Tại thời điểm đó áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây và vị trí của nó nằm cách Acapulco, Mexico khoảng 345 dặm (555 km) về phía Đông - Đông Nam.[3][4] Mặc dù điều kiện không phải là lý tưởng cho một sự phát triển, nhưng hệ thống đã nhanh chóng hình thành nên những dải mây mưa đặc trưng và dòng thổi ra rõ ràng, do đó nó đã được nâng cấp lên thành một cơn bão nhiệt đới và được đặt tên là John vào cuối ngày hôm đó.[2]

Một áp cao cận nhiệt mạnh trên vùng Đông Bắc Thái Bình Dương đã chi phối quỹ đạo của John, buộc nó di chuyển về phía Tây, nơi mà độ đứt gió trên tầng cao ngăn không cho cơn bão mạnh lên. Độ đứt gió không phù hợp đã hơn một lần loại bỏ những đám mây phía trên John và khiến nó gần như suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.[2] Dù vậy, sau 8 ngày di chuyển chậm về phía Tây, độ đứt gió đã giảm mạnh trong ngày 19 giúp John tăng cường đáng kể và nó đã được chỉ định là một cơn bão cuồng phong (hurricane) tại thời điểm 1700 PDT ngày hôm đó. Trong giai đoạn 18 tiếng giữa hai ngày 19 và 20 tháng 8, John tiếp tục mạnh thêm từ bão cấp 1 lên thành bão cấp 3. Vào khoảng 1100 PDT ngày 20 tháng 8, cơn bão đi vào vùng Trung tâm Thái Bình Dương.[2]

Sau khi di chuyển vào vùng Trung tâm Thái Bình Dương, John đã đi quá giới hạn khu vực theo dõi của NHC và thay vào đó nó tiếp tục được theo dõi bởi Trung tâm Bão Trung tâm Thái Bình Dương (CPHP). Di chuyển chậm về phía Tây, John đã mạnh thêm đáng kể nhờ điều kiện môi trường ngày một thuận lợi trên vùng biển phía Nam quần đảo Hawaii; và đến ngày 22 tháng 8 nó đã được chỉ định là một cơn bão cấp 5 trong thang bão Saffir-Simpson (cấp cao nhất trong thang đo). Vào cuối ngày hôm đó (theo giờ tiêu chuẩn Hawaii), John đạt đỉnh với vận tốc gió 175 dặm/giờ (280 km/giờ).[6] Cũng trong ngày 22 (giờ Hawaii), John đã tiếp cận quần đảo ở khoảng cách gần nhất là 345 dặm (500 km) về phía Nam. Một ngày sau, cơn bão đe dọa chuyển hướng Bắc và tác động đến Hawaii, nhưng áp cao thường bảo vệ quần đảo khỏi sự tấn công của xoáy thuận nhiệt đới ở phía Bắc đã giữ John trên quỹ đạo dưới phía Nam. Dù sao, khu vực này vẫn chịu tác động bởi những cơn mưa nặng hạt và gió mạnh từ dải mây mưa phía ngoài của cơn bão.[6]

Khi quần đảo Hawaii đã ở phía sau, John bắt đầu chuyển hướng chậm dần lên phía Bắc, và rạn san hô vòng Johnston, một nhóm đảo nhỏ chỉ có sự hiện diện căn cứ quân sự của Mỹ, chuẩn bị là mục tiêu tấn công gần như trực tiếp. Lúc này, độ đứt gió tăng lên đã khiến cơn bão suy yếu chậm dần từ bão cấp 5 xuống thành bão cấp 1 với vận tốc gió duy trì tối đa còn 90 dặm/giờ (145 km/giờ). Vào ngày 25 tháng 8 giờ địa phương, John tiếp cận rạn san hô Johnton với khoảng cách gần nhất, chỉ 15 dặm (24 km) về phía Bắc. Tại khu vực đảo này đã có những cơn gió duy trì đạt vận tốc 60 dặm/giờ (95 km/giờ) được báo cáo, tương đương cấp độ bão nhiệt đới mạnh, và gió giật với vận tốc 75 dặm/giờ (120 km/giờ) được ghi nhận.[7]

Bão John lúc nó ở đỉnh cường độ thứ ba trên vùng Bắc Trung tâm Thái Bình Dương, kèm theo đó là một xoáy thuận ngoại nhiệt đới ở phía Bắc cơn bão.

Sau khi di chuyển qua rạn san hô Johnston, John chuyển hướng Tây Bắc và bắt đầu tăng cường trở lại do độ đứt gió đã giảm xuống. Vào ngày 27 tháng 8 theo giờ địa phương, John đạt một đỉnh cường độ thứ hai với vận tốc gió 135 dặm/giờ (210 km/giờ). Không lâu sau, cơn bão đã vượt đường đổi ngày quốc tế tại vị trí có vĩ độ xấp xỉ 22°B và nó bắt đầu được đặt dưới sự giám sát của một chi nhánh của Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC) tại Guam. Do đi vào khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, John cũng đồng thời trở thành một "typhoon" [nb 2] và được đề cập đến như là "Typhoon John" trong quãng thời gian nó tồn tại trên khu vực này.[7] Ngay lập tức sau khi vượt đường đổi ngày, John lại suy yếu và chuyển động của nó đã bị ngừng trệ. Đến ngày 1 tháng 9, John đã suy yếu thành một cơn bão nhiệt đới và nó gần như đứng yên ngay sát phía Tây đường đổi ngày quốc tế. John nán lại trên khu vực đó trong 6 ngày, khoảng thời gian mà nó đã thực hiện quỹ đạo một vòng ngược chiều kim đồng hồ. Vào ngày 7 tháng 9, một rãnh thấp tiến vào khu vực và nó đã nhanh chóng tác động khiến John di chuyển lên phía Đông Bắc. Cơn bão đã vượt đường đổi ngày quốc tế lần thứ hai trong ngày mùng 8 và quay trở lại vùng Trung tâm Thái Bình Dương.[7]

Không lâu sau khi quay trở lại Trung tâm Thái Bình Dương, John đã đạt một đỉnh cường độ thứ ba với vận tốc gió 90 dặm/giờ (145 km/giờ), tại vị trí nằm về phía Bắc đảo Midway. Tuy nhiên, rãnh thấp đã nhanh chóng kéo rời cấu trúc của John, và nhiệt độ nước biển lạnh của khu vực Bắc Trung tâm Thái Bình Dương là không phù hợp cho một xoáy thuận nhiệt đới. Vào ngày 10 tháng 9, thông báo thứ 120 về hệ thống được ban hành, cuối cùng tuyên bố rằng John đã trở thành xoáy thuận ngoại nhiệt đới tại địa điểm cách đảo Unalaska xấp xỉ 1.000 dặm (1.600 km) về phía Nam.[7]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bão John (1994) http://www.accuweather.com/en/weather-news/rare-na... http://news.google.com/newspapers?id=VTcTAAAAIBAJ&... http://www.aoml.noaa.gov/hrd/hurdat/tracks-hurdat2... http://www.aoml.noaa.gov/hrd/tcfaq/E6.html http://www.aoml.noaa.gov/hrd/tcfaq/E7.html http://www1.ncdc.noaa.gov/pub/orders/IPS/IPS-53E37... http://www4.ncdc.noaa.gov/cgi-win/wwcgi.dll?wweven... http://www.cpc.ncep.noaa.gov/products/analysis_mon... http://www.nhc.noaa.gov/archive/storm_wallets/epac... http://www.nhc.noaa.gov/archive/storm_wallets/epac...